Thay vì trở về nhà, những bệnh nhân này lại nhất quyết ở lại bệnh viện, gây nên tình trạng tồn đọng F0 nghiêm trọng.
Những ngày vừa qua, nhờ có sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ, đã có rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 tại tỉnh Bình Dương đạt đủ điều kiện xuất viện. Tuy nhiên, thay vì trở về nhà, không ít người lại nhất quyết ở lại bệnh viện dã chiến. Mới đây, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cũng đã lên tiếng xác nhận tình trạng này với báo Thanh Niên.
Hình ảnh tại một bệnh viện dã chiến tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
Không muốn về vì sợ mọi người xa lánh
Báo Thanh Niên ghi nhận, những ngày vừa qua, một số bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xuất hiện tình trạng nhiều trường hợp F0 khỏi bệnh nhưng không chịu xuất viện. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, hầu hết những bệnh nhân này đều lo sợ khi trở về địa phương hoặc khu nhà trọ sẽ bị mọi người xung quanh xa lánh. Chính vì vậy, họ quyết định ở luôn trong bệnh viện để được cung cấp đầy đủ chế độ ăn uống, đảm bảo điều kiện sinh hoạt.
Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng đã quyết định nâng mức chi tiền ăn cho các bệnh nhân Covid-19 đang phải chữa trị trong mọi bệnh viện dã chiến trên địa bàn thêm khoảng 20.000 – 30.000 đồng/người/ngày, tùy từng tầng điều trị. Trong khi mức chi ban đầu đã là từ 70.000 – 90.000 đồng/người/ngày.
Một khu cách ly tại Bình Dương đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Người Lao Động)
Bệnh nhân mắc Covid-19 có nguy cơ bị ảnh hưởng tâm lý cao
Thực tế, GS. TS. BS. Cao Tiến Đức – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 từng nhận định, Covid-19 cũng có thể gây ra một sang chấn tâm lý con người, khiến bệnh nhân dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress. Thông tin này đã được đăng tải cụ thể trên cổng thông tin của Bộ Y tế.
Theo đó, GS. Đức đã cùng với cộng sự của mình nghiên cứu kĩ nhóm đối tượng cách ly, những người phục vụ, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa… Từ đó, họ đã nhận thấy rằng phản ứng tâm lý của những người này rất mạnh. Đặc biệt, người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là dễ bị tác động tâm lý nhất.
Lý giải về điều này, vị Giáo sư cũng cho biết, có rất nhiều yếu tố tác động khiến bệnh nhân tâm thần gia tăng và trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19. Ví như trong quá trình điều trị, bệnh chuyển biến nặng gây ra ám ảnh tâm lý; những trẻ em đi cách ly, không được gần bố mẹ hay các trường hợp bị mất đi người thân vì dịch bệnh… Tất cả đều có thể dẫn đến những chấn thương tâm lý rất nghiêm trọng.
Nhân viên y tế cố gắng điều trị cho một bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: VietnamPlus)
Tình hình dịch bệnh tại Bình Dương
Sau một thời gian dài nỗ lực phòng dịch, tình hình Covid-19 tại tỉnh Bình Dương đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực. Người Lao Động đăng tải, trong hội nghị do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bình Dương tổ chức vào sáng ngày 15/9 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, hiện nay có 6 cơ sở để nói tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là:
Một, từ cơ sở dữ liệu của ngành y tế, một số bộ ngành trung ương và kinh nghiệm thực tiễn, có thể thấy số ca F0 được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang giảm từng ngày. Đồng thời, số ca F0 tại các khu điều trị được ra viện cũng ngày một tăng cao, đỉnh điểm nhất là gần 10.000 ca ngày 14/9.
Hai, số F0 được phát hiện từ công tác xét nghiệm diện rộng ngày càng giảm. “Vùng xanh” cơ bản đã ổn định và an toàn, còn “vùng đỏ” đang thu hẹp dần xét nghiệm. Hiện tại, tỉnh đang nỗ lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ba, các “vùng xanh” có kiểm soát sẽ được mở rộng. Các khu phố xanh, xã ấp xanh được phép đi lại với nhau. Riêng các “vùng đỏ”, “điểm đỏ”, “khu vực đỏ”, “gia đình đỏ” sẽ tiếp tục khóa chặt để sử dụng các biện pháp y tế, sử dụng các gói an sinh xã hội hỗ trợ.
Bốn, công tác tiêm vaccine đến nay đã đạt gần 100%. Tuy nhiên còn gặp khó khăn về vấn đề nhập dữ liệu nên tỉnh đang tăng cường lực lượng để khắc phục điều này.
Năm, các khu điều trị hiện nay của tỉnh đã đạt đủ điều kiện đáp ứng. Số lượng ca bệnh nhập viện chưa đến 3.000/ngày, trong khi xuất viện 10.000/ngày.
Cuối cùng, tỉnh đang dần hoàn thiện mạng lưới y tế. Trong điều kiện bệnh viện công tiếp tục củng cố, mạng lưới y tế lưu động tại các “vùng xanh”, “vùng đỏ” được tăng cường từ 1 đến 3 cơ sở, thậm chí nhiều hơn, ngay trong doanh nghiệp khu công nghiệp cũng có mạng lưới y tế. Đội ngũ y tế được tăng cường từ các tỉnh chi viện về, kể cả quân y của Bộ Quốc phòng.
Số ca xuất viện tại tỉnh Bình Dương ngày một tăng cao. (Ảnh: Người Lao Động)
Trong công tác phòng chống dịch, một trong những điều quan trọng nhất chính là tinh thần của toàn thể bà con. Vì vậy, mọi người không nên xa lánh các F0 đã khỏi bệnh. Thay vào đó hãy cùng động viên nhau, tiếp thêm năng lượng để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ toàn cộng đồng.