Thay vì tranh cãi về quyết định của trọng tài, bóng đá Việt Nam nên tập trung cải thiện những khía cạnh khác, để hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Các chuyên gia tâm lý là một phần không thể thiếu trong bóng đá đỉnh cao. Nếu bạn hỏi bất kỳ một cầu thủ chuyên nghiệp nào, họ đều sẽ nói với bạn rằng tâm lý thi đấu là cực kỳ quan trọng. Bạn chỉ chơi tốt nếu cái đầu hoàn toàn làm chủ đôi chân.
Đừng lo lắng về những gì bạn không thể kiểm soát
Trong giới bóng đá chuyên nghiệp, một trong những cụm từ thường được tôi và các đồng nghiệp sử dụng, đó là “đừng lo lắng về những gì bạn không thể kiểm soát”.
Một ví dụ điển hình là thời tiết. Các HLV không thể ngăn được trời mưa, nhưng họ có thể giúp đội bóng của mình thích nghi với mặt sân ẩm ướt. Nói cách khác, bạn không thể khiến trời không mưa, nhưng có thể thích nghi với nó bằng lối chơi.
Chính vì vậy, các HLV chỉ tập trung vào những thứ mà họ kiểm soát được. Nếu áp dụng nguyên tắc này vào trận đấu giữa Việt Nam và Australia (tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á – PV), chúng ta có thể thấy tất cả đang phí thời gian để tranh cãi về VAR hay quyết định của trọng tài chính.
VAR đã lên tiếng, nhưng trọng tài chính không thổi phạt đền. Dù thích hay không, bạn phải chấp nhận rằng những quyết định của trọng tài luôn là một phần của bóng đá. Các HLV không thể kiểm soát các quyết định của trọng tài.
Trọng tài Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim gây tranh cãi khi không thổi phạt đền cho Việt Nam trong trận gặp Australia. Ảnh: Việt Linh.
![]() |
Trọng tài Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim gây tranh cãi khi không thổi phạt đền cho Việt Nam trong trận gặp Australia. Ảnh: Việt Linh. |
Sẽ là lãng phí năng lượng nếu tiếp tục tranh cãi về quyết định của trọng tài. Tôi cho rằng Việt Nam xứng đáng hưởng phạt đền trong trận gặp Australia, tuy nhiên không ai có thể thay đổi quyết định của trọng tài chính khi trận đấu đã kết thúc.
Hãy nói về những khía cạnh khác của trận đấu. Hãy bắt đầu từ những tiểu tiết định đoạt kết quả trận đấu. Những chi tiết nhỏ tạo ra sự khác biệt.
Trong thể thao đỉnh cao có một học thuyết nói về những tiểu tiết sẽ tạo ra sự khác biệt giữa hai đối thủ. Khi tranh tài ở đẳng cấp cao nhất, các vận động viên thể thao thường không có sự chênh lệch đáng kể về trình độ.
Chỉ 1% sự chênh lệch về trình độ hay các điều kiện khách quan có thể tạo ra khác biệt, dẫn đến kết quả cuối cùng. Ở trận Việt Nam gặp Australia, theo tôi, một trong những sự khác biệt ấy đến từ việc tuyển Việt Nam không thể kiểm soát bóng tốt trên mặt sân Mỹ Đình.
Tuyển Việt Nam sở hữu nhiều cầu thủ nhỏ con và chơi kỹ thuật, vì thế, nếu họ được chơi trên mặt sân tốt hơn, mọi thứ có thể đã khác. Việt Nam có thể kiểm soát thế trận tốt hơn nhờ kỹ thuật cá nhân hay các đường chuyền ngắn.
Mặt sân không tốt khiến Việt Nam phải dùng nhiều đường chuyền bổng, khiến họ thua thiệt so với Australia. Tình huống điển hình đến ở đầu trận, khi Quang Hải sút bóng lên trời trước khung thành Australia.
Sân bóng mấp mô là nguyên nhân không nhỏ khiến Quang Hải dứt điểm không thành công trong tình huống đó. Câu hỏi trách nhiệm nên được đặt ra cho những người quản lý sân bóng.
Việc sân Mỹ Đình hai năm không tổ chức bóng đá quốc tế không thể là nguyên nhân khiến mặt cỏ tệ đến như vậy. Nhìn trên truyền hình, chúng ta cũng có thể thấy mặt sân xấu như thế nào.
Khi huấn luyện Home United ở Singapore, tôi luôn yêu cầu sân bóng của đội phải ở trạng thái tốt nhất, vì tôi có các cầu thủ giàu kỹ thuật. Khi tôi làm việc ở Malaysia, tôi luôn đảm bảo mặt cỏ của sân phải hơi cao và mấp mô một chút.
Vì sao? Vì khi đó, tôi đang có nhiều cầu thủ giàu thể lực và mạnh mẽ trong đội hình, nhưng họ không giỏi chơi kỹ thuật hay thích kiểm soát bóng. Đó là lý do chúng ta nên tập trung vào những gì chúng ta có thể kiểm soát.
Quang Hải có cơ hội tốt ở đầu trận nhưng không thể tận dụng. Ảnh: Việt Linh.
![]() |
Quang Hải có cơ hội tốt ở đầu trận nhưng không thể tận dụng. Ảnh: Việt Linh. |