Trang chủ » Đời sống » Mạng xã hội
27/09/2021 11:15

Thủ tướng: ‘Có những con đường 400-500 tỉ đồng 13 đời bộ trưởng chưa xong’

TTO – Đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài dự án không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng đầu tư, mà còn lãng phí nguồn lực rất lớn, cần có các giải pháp cho vấn đề này.

Thủ tướng: Có những con đường 400-500 tỉ đồng 13 đời bộ trưởng chưa xong - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ chiều 24-7 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí từ góc độ đầu tư công và xây dựng thể chế – Ảnh: L.H.

Thảo luận tại tổ chiều 24-7 về nội dung phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm.

Theo Thủ tướng, mặc dù chính sách đã được hoàn thiện nhiều, nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng lãng phí. Do đó cần vừa giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng thể chế, vừa có kỷ luật, kỷ cương để công tác tiết kiệm thực sự hiệu quả hơn.

Thủ tướng cho rằng cần chú ý đến hoạt động chi kinh tế có tính chất sự nghiệp, sửa sang đường sá bởi quy định hiện nay còn có sơ hở, dễ bị tác động. Hay việc chi tiêu đi lại, sử dụng điện nước, xe công cần siết chặt hơn,

Thủ tướng cũng chỉ ra thực tế là những dự án kéo dài, được nhận diện là chia cắt, manh mún, gây lãng phí, cần có các giải pháp kết hợp “từ dưới lên và từ trên xuống”.

Phân tích rõ hơn, Thủ tướng nói kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới là 2,87 triệu tỉ đồng nhưng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của bộ ngành và địa phương. Thủ tướng cho rằng rất khó xây dựng kế hoạch dựa trên nhu cầu, “huyện nào cũng muốn có công trình, nhất là hạ tầng, an sinh xã hội”.

Thủ tướng dẫn chứng thêm thời kỳ ông làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từng tiếp nhận 3.650 dự án, vốn 3.000 tỉ đồng, chia ra mỗi dự án chưa đến 1 tỉ đồng nên đã yêu cầu rà soát lại vì thấy lãng phí nguồn lực quá lớn.

“Tôi không nói cụ thể, các tỉnh lên trao đổi với tôi, có những con đường 400-500 tỉ đồng thôi mà 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong, nên ta làm từ dưới lên phải kết hợp hài hòa từ trên xuống”, Thủ tướng cho hay.

Cũng chỉ ra tình trạng lãng phí, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước), phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục, cho rằng thực hành tiết kiệm chưa đáp ứng yêu cầu, báo cáo thống kê còn sơ sài, thiếu sót nhiều nội dung quan trọng liên quan đến trách nhiệm cơ quan, đơn vị, dẫn tới kéo dài, bức xúc chưa có nhiều chuyển biến.

“Điều trăn trở nhất là tình trạng lãng phí lớn trong quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia, đặc biệt là tài sản công”, ông Lượng nói và cho rằng hạn chế xuất phát từ việc chậm tổ chức thực hiện, như chậm đầu tư, xây dựng, quy hoạch và sử dụng đất đai được xem là khâu yếu nhất, gây lãng phí lớn.

Tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu từ Đại hội Đảng XI đến nay là thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng thể chế, con người và hạ tầng. Thực tế, diễn biến cuộc sống thay đổi nhanh hơn nhiều so với các quy định, luật pháp không phủ hết mọi khía cạnh cuộc sống, nên tinh thần là phải làm, vừa làm vừa mở rộng, không cầu toàn, nóng vội.

Với những vấn đề chưa có luật, cần mạnh dạn thí điểm, xử lý linh hoạt. Tới đây cần tập trung rà soát, vướng mắc tồn đọng, chỉ rõ vướng chỗ nào, luật nào, nội dung nào để làm căn cứ sửa đổi. Gắn với đó là tinh thần phân cấp, giao cho người đứng đầu là các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.

Thủ tướng cũng khẳng định việc đầu tư cho xây dựng pháp luật cần phải cải tiến hơn cho phù hợp, xây dựng nguồn lực con người gồm các chuyên gia, cán bộ về pháp luật, những nhà hoạt động thực tiễn. Gắn với đó là việc phối hợp tổ chức thực hiện nhuần nhuyễn, chặt chẽ để nâng cao tính hiệu quả.

Lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tháo gỡ các dự án đầu tư

TTO – Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tháo gỡ các dự án đầu tư - Ảnh 1.

Tổ công tác đặc biệt sẽ tháo gỡ mọi khó khăn cho tất cả các dự án đầu tư FDI, đầu tư công, PPP – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tổ công tác do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh là tổ trưởng, được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập vào năm 2020.

Tổ phó thường trực Tổ công tác sẽ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các tổ phó khác là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư và Thứ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm, cùng các thành viên Tổ công tác từ các bộ, ngành liên quan.

Theo quyết định vừa được ký, Tổ công tác đặc biệt lần này có vai trò, nhiệm vụ lớn hơn rất nhiều.

Tổ công tác trước đây chủ yếu tập trung tham mưu cho Thủ tướng các cơ chế, chính sách, tiêu chí cho việc thu hút các FDI, đón sóng đầu tư nước ngoài. Đơn cử như việc tập trung xây dựng chính sách, đàm phán để thu hút các tập đoàn lớn, các FDI có quy mô toàn cầu và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết.

Trong khi đó, Tổ công tác đặc biệt vừa được thành lập có nhiệm vụ bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư của nền kinh tế. Cụ thể, Tổ sẽ có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, đề xuất hướng xử lý.

Tổ công tác cũng sẽ đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới;

Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, Tổ công tác sẽ chủ động tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, có công nghệ cao nhằm vận động, xúc tiến đầu tư. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, có sự lan tỏa, giúp DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư cũng như hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư.

Với chức năng nhiệm vụ rộng hơn, Tổ công tác đặc biệt có quyền hạn rà soát các dự án lớn hơn. Bao gồm dự án đầu tư công (bao gồm dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài); dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

NGuồn:https://tuoitre.vn/thu-tuong-co-nhung-con-duong-400-500-ti-dong-13-doi-bo-truong-chua-xong-20210724173500214.htm

Tin Liên Quan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM